Bài
phát biểu
Kính thưa quý vị trưởng
thượng, thưa quý đồng hương,
và quý bạn trẻ thân mến,
Trước hết, tôi xin chân
thành cám ơn Ban Tổ Chức đã dành cho tôi vinh dự được trình bày trước đồng
hương Houston mà tôi được vinh hạnh đại diện với tư cách Nghị Viên, để nói về Tổng
thống Ngô Đình Diệm mà tôi rất cảm phục và vô cùng quý mến.
Kính thưa Quý Vị,
Cách đây 55 năm, vào thời
điểm này, cuộc binh biến xảy ra ở thủ đô Sàigòn của Miền Nam Việt Nam, Tổng
thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã bị giết chết một
cách oan uổng và tàn bạo. Cái chết này đã kéo theo sự sụp đổ không chỉ của nền
Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam, mà nó còn là tiếng chuông báo trước ngày sụp đổ của một
chế độ tự do dân chủ tân tiến nhất tại vùng Đông Nam Á, để nhường chỗ cho một
chế độ độc tài, phản dân bán nước, làm dân tộc điêu linh, khi cộng sản Bắc Việt
đã chiếm được Miền Nam Việt Nam vào ngày 30/4/1975..
Trong những ngày này đây, rất
nhiều đồng bào tị nạn khắp nơi trên thế giới, và cả chúng ta đây, cùng nhau
tưởng niệm một chí sĩ, một nhà cách mạng, một vị Tổng Thống tài năng đức độ,
cùng với những vị anh hùng khác của dân tộc, đã vị quốc vong thân.
Trước hết, nói về thân thế của
Tổng thống Diệm, ông là con trai thứ ba của quan Thượng Thư Ngô Đình Khả. Dù
giữ chức vị cao trong triều, tương đương với chức bộ trưởng hiện nay, ông Ngô
Đình Khả nổi tiếng về sự thanh liêm và cương trực, đến nỗi khi bị người Pháp
buộc phải từ chức, thì cuộc sống trong gia đình cụ Ngô Đình Khả vẫn hết sức eo
hẹp. Bằng chứng là trong một tấm hình chụp toàn gia đình của ông mà nhiều người
trong chúng ta đã biết, cho thấy: từ ông Khôi cho đến ông Diệm đều đi chân đất.
Riêng Giám mục Ngô Đình Thục và ông Diệm thì ăn mặc luộm thuộm, giật gấu và vai
như con nhà nông.
Cuộc sống thanh liêm, trong
sạch của cụ Ngô Đình Khả chắc chắn đã ảnh hưởng không ít tới sự thanh liêm của
Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông Diệm và ông Nhu thanh liêm đến nỗi khi hai ông bị
giết chết, người ta lục trong quần áo của ông Diệm, chỉ tìm được một gói thuốc
lá Bastos, là thứ thuốc lá rẻ tiền nhất, và một số tiền nhỏ… Sau đó, người ta cũng
không tìm được những gia tài hay những tòa nhà do hai ông làm chủ. Chỉ một vài sự
kiện như vậy đã cho thấy sự đức độ của vị lãnh đạo quốc gia thời ấy.
Về sự nghiệp của Tổng thống
Diệm, ông khởi đầu cuộc đời làm quan năm 20 tuổi với chức tri huyện Hương Trà,
rồi 9 năm sau làm Tuần Vũ Phan Thiết, và năm 32 tuổi, tức năm 1933, ông được
thăng chức Thượng Thư Bộ Lại (tương đương với chức vụ Thủ Tướng hiện nay). Đời
làm quan chính là cơ hội để ông phát lộ tài năng, ý chí, tâm huyết và khí phách
của một người trí thức thành tâm yêu nước.
Chỉ mấy tháng sau khi nhậm
chức Thượng Thư Bộ Lại, ông đề nghị chính quyền bảo bộ Pháp tu chính hai điểm: Một
là thống nhất Trung kỳ và Bắc Kỳ theo tinh thần Hòa ước Giáp Thân 1884, Hai là
cho Viện Nhân dân Đại biểu Trung Kỳ được quyền tự do thảo luận về mọi vấn đề,
kể cả vấn đề chính trị. Mục tiêu chính ông nhắm tới ở đề nghị thứ nhất là bãi
bỏ hai chức vụ khâm sứ Trung Kỳ và thống sứ Bắc Kỳ do Pháp đặt ra với thâm ý
giới hạn quyền làm chủ đất nước của triều đình do Pháp bảo hộ. Đề nghị thứ hai
là để canh tân lề lối cai trị cũ, mở cửa cho các đại biểu nhân dân được bàn tới
những vấn đề liên quan tới vận mạng đất nước và dân tộc. Vì người Pháp không chấp
nhận những đề nghị chính đáng này, nên ngày 12 tháng 7 năm 1933, ông khảng khái
từ bỏ chức vị Thượng Thư, là chức vị cao nhất trong triều đình Huế thời ấy. Sự
kiện này cho thấy ông không phải là một người tham quyền cố vị. Điều này đã làm
Chí sĩ Phan Bội Châu cảm phục và đã làm thơ hết lời ca ngợi.
Sau khi Việt Minh cướp được
chính quyền năm 1945 cho đến năm 1953, ông Diệm đã được vua Bảo Đại – kể cả Hồ
Chí Minh − mời ra thành lập chính phủ, nhưng ông đều từ chối. Lý do chỉ vì
những yêu cầu tối thiểu ông đặt ra không được đáp ứng. Chẳng hạn với vua Bảo
Đại, ông Diệm không hài lòng về thứ độc lập nửa vời mà người Pháp trao cho Việt
Nam lúc bấy giờ. Hay với Hồ Chí Minh, ông biết rõ Hồ Chí Minh theo cộng sản là
điều mà ông không thể chấp nhận.
Cho tới năm 1954, sau hiệp
định Genève, trước tình hình đất nước quá nguy ngập, ông Diệm mới nhận lời Quốc
Trưởng Bảo Đại đứng ra thành lập nội các với điều kiện tiên quyết là: với cương
vị Thủ Tướng, ông phải được toàn quyền về mọi mặt, từ quốc phòng, nội trị tới
ngoại giao.
Ngày song thất, 7-7-1954,
chính phủ do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chính thức ra đời trước tình trạng tan
hoang của đất nước. Miền Bắc thì bị Cộng sản thống trị và tìm cách phá rối Miền
Nam. Miền Nam thì trong tình trạng Thập Nhị Sứ Quân. Thì giờ không cho phép thành
nói nhiều về vô vàn khó khăn mà Thủ tướng Diệm phải đối phó và giải quyết. Có
điều là ông đã giải quyết ổn thỏa tất cả những khó khăn đó để chỉ một vài năm
sau là Miền Nam Việt Nam đã được ổn định mọi mặt, từ chính trị đến kinh tế, xã
hội, văn hóa.
Vào đầu thập niên 60, có dư
luận chê trách ông Diệm là người tham quyền cố vị, nhưng mấy ai hiểu được con
người thực của ông ngay từ thuở thiếu thời đã nuôi ý định vào dòng tu và trong
thời gian ở ngôi vị Tổng thống, ông đã có ý định rời bỏ chức vụ để về hưu sớm.
Trong những năm bôn ba tại Mỹ để tìm phương giúp nước, ông thường chọn các Dòng
Chúa Cứu Thế hoặc Dòng Mary Knoll làm nơi cư trú.
Trong bài viết “Gia tài của
TT Ngô Đình Diệm và ngôi nhà ông dự định về hưu”, cố Đại Tá Nguyễn Ngọc Duệ đã mô
tả chi tiết cuộc sống đạm bạc của ông Diệm khi ông đang là Tổng thống, và dự
tính khi về hưu ông sẽ dựng một căn nhà nhỏ trong khu gia binh để ở sau khi mãn
nhiệm kỳ Tổng thống.
Báo chí và dư luận một thời
cũng không ngớt chỉ trích Tổng thống Diệm có tinh thần kỳ thị tôn giáo và địa
phương khi dùng người. Ý thiên hạ muốn nói ông thường ngả theo khuynh hướng
trọng người miền Trung, nhất là người Huế, ghét bỏ người Bắc và người Nam.
Ngoài ra vì là tín đồ Thiên Chúa Giáo nên chỉ những người đồng đạo với ông mới
được ông trọng dụng, cắt cử vào vị trí tốt.
Về vấn đề này chỉ cần nhìn
vào thành phần những giới chức cao cấp nhất trong quân đội và trong nội các của
Tổng thống Diệm trong thời gian ông tại vị, ta sẽ có được câu trả lời thật minh
bạch. Thí dụ bên quân đội từ Thống Tướng Lê Văn Tỵ, tới các tướng Trần Văn Đôn,
Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim, Dương Ngọc Lễ, kể cả Trần Thiện Khiêm… hầu hết đều là
Phật tử. Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu, Bộ Trưởng
Thông Tin Trần Chánh Thành là một người Nam, hai người Bắc, và đều không phải
Công Giáo. Riêng các ông Võ Văn Hải, Cao Xuân Vỹ, Tôn Thất Thiện, Bữu Thọ, Ngô
Trọng Hiếu… những nhân vật thân cận nhất của ông, cùng những tùy viên như Đỗ Thọ,
Lê Công Hoàn… lại cũng là Phật Giáo và chưa bao giờ bị thôi thúc cải đạo, như
những luận điệu xuyên tạc trong dư luận một thời.
Riêng chuyện kỳ thị Phật
Giáo, tưởng cũng cần nói thêm là chính Tổng thống Diệm đã trích quỹ riêng 600
ngàn để giúp xây Chùa Xá Lợi, một ngôi chùa đẹp nhất trong vùng thời đó. Ngoài
ra, chính phủ Diệm còn giúp Giáo Hội Phật Giáo xây trên một ngàn ngôi chùa,
chưa kể TT Diệm còn gửi 1300 tấn gạo giúp nhân dân Tây Tạng trong thời gian Đức
Đạt Lai Lạt Ma phải lưu vong ở Ấn Độ.
Về đức độ và tài năng như
vậy, chỉ trong vòng 9 năm, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã biến Miền Nam Việt Nam
từ một cảnh hoang tàn có thể nói là dưới số không, vì biết bao khó khăn do
nhiều thế lực thù ghét ông gây ra, ông đã chẳng những ổn định được tình hình
Miền Nam về mọi mặt, mà còn biến Miền Nam Việt Nam thành Hòn Ngọc Viễn Đông, mà
những quốc gia lân cận tân tiến hiện nay như Đại Hàn, Singapore, Đài Loan,
Thailand, Philippines thời đấy còn thua kém.
Thì giờ không cho phép tôi
nói nhiều hơn, mặc dù còn rất nhiều điều cần phải nói để mọi người hiểu được
Tổng thống Ngô Đình Diệm là một vị lãnh đạo đất nước vừa tài cao vừa đức độ mà
cho đến nay, thậm chí nhiều năm trước đó, đất nước ta không có được một vị lãnh
đạo như thế. Chỉ tiếc một điều là ông đã bị chính người Mỹ, đồng minh của mình,
và các tướng lãnh dưới quyền mình bị Mỹ sai xử, đã lật đổ và giết chết. Nếu ông
không chết, có lẽ đất nước Việt Nam ta không đến nỗi bi đát như hiện nay.
Để kết thúc bài chia sẻ ngắn
ngủi và đầy thiếu sót này, tôi xin trưng dẫn một vài câu nói để đời của Tổng
thống Diệm:
Ông từng nói: “Tôi không
phải là thần thánh, tôi chỉ là một người bình thường, tôi chỉ biết thức khuya,
dậy sớm làm việc, một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc”
Một câu khác:
“Chế độ này tuy còn nhiều
khuyết điểm, nhưng cũng còn hơn nhiều chế độ khác. Người ta chê chế độ này là
độc tài nhưng chỉ sợ còn những thứ độc tài khủng khiếp hơn. Tôi tiến, hãy theo
tôi; tôi lui, hãy giết tôi; tôi chết, hãy nối chí tôi.”
Tôi rất mong mọi người dân
Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, hãy nối chí Tổng thống Ngô Đình Diệm, như lòng
mong ước của ông.
Tôi xin kết thúc nơi đây. Trân
trọng kính chào toàn thể quý vị.